Home Định cư Định cư Australia Những câu chuyện định cư Úc: “Chúng tôi góp phần làm nên nước Úc”

Những câu chuyện định cư Úc: “Chúng tôi góp phần làm nên nước Úc”

Chúng ta không chọn được nơi sinh ra, nhưng chúng ta có thể chọn nơi sống và làm việc. Điều đó được minh chứng qua câu chuyện định cư Úc của 3 nhân vật trong bài viết dưới đây.

Nước Úc được xem là một trong những nơi đáng sống nhất thế giới. Môi trường an toàn, khí hậu ôn hòa, chính sách an sinh xã hội cực tốt. Nhiều năm qua, số triệu phú chọn định cư Úc nhiều hơn hẳn các nước khác.

Hiện có đến 28% dân số Úc là người nước ngoài nhập cư. Mỗi người một cảm nhận, mỗi người một khả năng thích nghi. Song, họ đều tự hào rằng “Chúng tôi góp phần làm nên nước Úc. Chúng tôi là người Úc”. Có thể thấy điều đó qua câu chuyện định cư Úc của ba nhân vật sau đây.

 

Định cư Úc là giấc mơ của nhiều gia đình trên toàn cầu

 

Nick Kalogeropoulos, người Hy Lạp, định cư Úc từ 1976

Ở Athens, buổi tối tôi học lập trình máy tính còn ban ngày tôi làm khung tranh. Khi định cư Úc năm 1976, tôi không biết nói tiếng Anh, vì thế tôi đi làm ở một nhà máy. Sau đó, tôi mua máy cắt để làm khung tranh. Những khách hàng đầu tiên của tôi là họ hàng và bạn bè.

Năm 1978, lúc 24 tuổi, tôi bắt đầu kinh doanh khung tranh cùng một cộng sự. Sau 1 năm, tôi mua hết doanh nghiệp. Chúng tôi cung cấp khung tranh cho các phòng trưng bày và hãng phim. Thời đó, mọi thứ đều làm bằng tay và rất vất vả. Lúc ấy tôi còn trẻ nên có thể làm việc cật lực. Tuy nhiên, tôi đã sai lầm lớn khi không học tiếng Anh đúng mức. Đến nay tôi vẫn không thích trao đổi qua email, tôi thích gọi điện hơn. Tôi không quảng cáo, cũng chẳng có website, nhưng vẫn có khách hàng từ khắp nơi.

Khi tôi định cư Úc, người nhập cư phần lớn từ châu Âu. Bây giờ số đông đến từ Ấn Độ và Trung Quốc. Hồi mới đến, chúng tôi đã có một thời gian rất khó khăn vì bị phân biệt chủng tộc. Nay mọi thứ đã thay đổi nhiều. Tôi nghĩ nước Úc cần mở rộng vòng tay với mọi quốc tịch. Chúng tôi góp phần làm nên nước Úc, tất cả chúng tôi là người Úc.

 

Nick Kalogeropoulos, nhập cư vào Úc năm 1976. Ảnh: Noel McLaughlin/The Guardian

 

 

Lan Vo, người Việt, định cư Úc từ 1981

Hồi mới định cư Úc, tôi nấu ăn cho 3 người lớn và trông nom 3 cậu bé. Thù lao nhận được là 20 đô-la/người. Lúc ấy tiền thuê nhà chỉ 65 đô-la/tuần. Tôi đã học may và làm việc ngày đêm.

Sau khi mua được căn nhà đầu tiên, tôi đã mua thêm nhiều máy may. 12 máy, rồi 18 máy, và kín hết phòng khách. Công việc của tôi ngày càng phát triển. Năm 1983, tôi mở doanh nghiệp mang tên mình, Lan Vo. Sau đó tôi thuê nhà máy. Tôi đã mua lại Mimosa Fashions, kinh doanh đồng hồ và nữ trang, năm 1987.

Tôi đã tự thiết kế quần áo và may. Khi tôi chuyển sang kinh doanh áo cưới, công việc rất phát đạt. Có khi tôi làm việc suốt 23 giờ và chỉ ngủ 1 giờ. Nhờ vậy mà tôi có tiền. Tôi đã gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Khi anh chị em tôi sang đây định cư Úc, tôi có thể lo cho họ.

Tạ ơn Chúa, định cư Úc đã mang lại cho tôi một cuộc sống tươi đẹp. Tôi về Việt Nam mỗi năm, nhưng tôi yêu nước Úc, nơi đã đón nhận tôi. Tôi đã đến đây vì con cái. Tôi hy vọng con cháu tôi sẽ phát triển tốt ở đây. Việc kinh doanh cũng tốt, có những khách hàng quay lại với tôi suốt 32 năm.

 

Định cư Úc đã mang lại cho tôi một cuộc sống tươi đẹp”, chị Lan Vo, người Việt định cư Úc từ năm 1981 cho biết. Ảnh: Noel McLaughlin/The Guardian

 

 

Donal Khadka, người Nepal, định cư Úc từ 2015

Tôi đến Úc để du học. Tôi nghĩ Úc mang lại nhiều cơ hội giúp tôi tạo dựng sự nghiệp. Ở Úc, bạn được tôn trọng ở mọi loại hình công việc. Đó là điều rất hay. Tôi cũng cảm thấy an toàn ở Úc vì sự đa dạng về văn hóa.

Chọn định cư Úc là quyết định sáng suốt nhất của tôi, nhưng những ngày đầu rất khó khăn. Thách thức đến từ chuyện nhỏ như học luật giao thông cho đến chuyện lớn là tìm việc. Giai đoạn ấy, việc trang trải cuộc sống mỗi ngày khá trầy trật.

Mọi người ở đây đều ứng xử với sự tôn trọng. Họ không đối xử với chúng tôi theo kiểu chúng tôi đến từ một nền văn hóa khác. Tôi thấy được cuộc sống của mình ở Úc.

 

Donal Khadka, người Nepal, định cư Úc từ năm 2015. Ảnh: Noel McLaughlin/The Guardian